Đam mê là gì?
Đối với tôi, ngay trong từ đam mê nó đã giải nghĩa được phần nào, là những thứ khiến bạn “phát mê phát mệt” khi làm nó, dù không biết có nhận được cái quái gì không, tiền, bằng khen, địa vị? Cần gì, thích, là làm!
Theo ngôn ngữ học, từ passion (đam mê) xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 12. Được hình thành bởi các học giả đạo Cơ Đốc, nó có nghĩa là suffer (chịu đựng).Nghe hoành tráng và ý nghĩa quá chừng hén, mỗi tội “đời không như là mơ, tình không như là thơ”, còn cơm áo gạo tiền, xã hội, gia đình, nhà trường, bạn bè, hoàn cảnh, v…v… thì ai lo? Vậy cuối cùng là theo hay không theo?
“Niềm đam mê không đơn thuần có nghĩa là sự chịu đựng; nó phải là sự chịu đựng đầy trong sáng và tự nguyện.” – Arthur
Nói đúng hơn, ý nghĩa thực sự của nó là sẵn sàng chấp nhận chịu đựng vì những gì mà bạn yêu thương. Khi khám phá ra những điều mà mình sẵn sàng trả giá để có được, chúng ta sẽ nhận biết được sứ mệnh và mục đích của cuộc sống.
(Trích sách Aspire)
Thực tế
Lời khuyên của tôi là: “Để nó qua một bên, nhưng đừng quăng nó đi!” Dù đam mê của bạn là gì, ý chí, quyết tâm của bạn đến đâu, nhưng phải công nhận một thực tế là mọi thứ chẳng bao giờ theo ý muốn của bạn.
Khi còn nhỏ, thậm chí ta còn không biết đến đam mê là cái khỉ khô gì, đó là lúc những người lớn bắt đầu định hướng cho chúng ta, theo cái hướng mà họ cho là tốt nhất với ta, và thế là chúng ta đi học.
Đến trường, người ta cũng cóc cần biết bạn thích cái gì, giỏi cái chi, cứ sáng đi chiều về, đứa giỏi hát cũng như đứa giỏi vẽ, cứ học toán lý hóa, văn sử địa, anh văn, thể dục, công nghệ, công dân, v…v… đi rồi tính. Lúc đó đứa nào cũng thầm nghĩ lớn cho nhanh, ra trường, được làm người lớn rồi thích làm gì thì làm.
12 năm sau, chúng ta quên bén đi những thứ mình thích, 12 năm mài đũng quần ở phổ thông và những định hướng của người lớn làm cho ta nhớ một thông điệp duy nhất: “Đi học, điểm cao, ra trờng, công việc ổn định, lương khá, còn lại tính sau!”
Lên đại học, ngắm xem sức mình thi được bao nhiêu điểm, nếu theo ngành kinh tế thì chọn cái ngành nào vừa đủ điểm đậu, tốt nhất là thấp hơn một vài điểm cho chắc ăn. Nếu học giỏi thì ráng cày xíu nữa, thi vào Đại Học Y hay những ngành hot, giỏi mà, điểm cao thì vào trường chọn điểm cao thôi. Ơ, còn cái mình thích thì sao? Mà làm mịe gì biết mình thích gì nữa mà chọn? 12 năm đứa nào cũng học như đứa nào, nên sở thích đứa nào… chẳng giống nhau? Trường ngon, lương cao, tiền nhiều, có tính là sở thích chung không? Đã không biết mình thích gì, thì chọn đại thôi, đại học là học đại mà…
Ra trường, người lớn rồi, phải biết lo sự nghiệp, lo tương lai, sau này còn có gia đình riêng, còn nuôi bố mẹ cho tròn chữ hiếu, đỡ đần cho anh chị em nữa, đâu phải dễ đâu? Tìm việc nhanh lên nào, công việc nào… lương cao cao ấy…
Ơ, thế còn giấc mơ, còn đam mê thì sao?
Làm gì để thoát khỏi cái vòng xoáy đó?
Nếu trước khi bước vào đại học, bạn tìm được thứ mình thực sự thích, đam mê về nó, xin chúc mừng, bạn thật may mắn. Còn nếu bạn chưa tìm được nó như đại đa số những sinh viên còn lại, hoặc tìm được thứ mình thích, nhưng không biết nó phải là thứ thích nhất không? Và kể cả là thứ mình thích, nhưng liệu nó có thực tế là có mang lại được đồng tiền bát gạo không là cả một vấn đề khác.
Tôi cho các bạn một vài góc nhìn của bản thân nhé:
1. Phải thừa nhận với nhau, lên đại học (hoặc cao đẳng) rồi, tuy vẫn có phần phụ thuộc vào gia đình, người lớn, nhưng thật sự các bạn tự do hơn 12 năm phổ thông nhiều, đúng không? Các bạn có quyền bước ra giao lưu với những trường đại học khác, tham gia club này, đội nhóm kia, thử những công việc này công việc nọ, thậm chí thử những thứ mà lắm người lớn cũng chưa bao giờ biết đến như chứng khoán, tìm hiểu về bất động sản, đi phượt, thử một vài công việc kinh doanh nhỏ như bán hoa, bán móc khóa, bán gấu bông, v…v…
Này bạn, nếu bạn cảm thấy sợ, ngại hay không dám thử những thứ trên, thì dừng ở đây đi, đừng đọc thêm nữa, lời khuyên chân thành đấy! Chỉ khi bạn thực sự làm một cái gì đó ra hồn, dấn thân mình vào nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau, bạn mới có cơ hội biết được cảm xúc của mình lúc làm những thứ ấy là gì, đâu là thứ khiến mình “chết mê chết mệt”, làm mà bất chấp thời gian, cảm xúc rần rần nhất.
Còn nếu ngồi không ở nhà, ôm cái máy tính, lướt web và đọc những bài viết, xem những video “hướng dẫn tìm đam mê” thì xin thưa, bạn chẳng bao giờ chạm vào được nó luôn, thề. Còn nếu bạn chẳng cần nó, không cần một cái thứ khiến ta cảm thấy cuộc sống thực sự có ý nghĩa, mỗi ngày trôi qua đầy ắp năng lượng, không trôi lều bều trong cuộc sống, chết đi và không để lại bất cứ dấu ấn nào của mình trên cuộc đời, như chưa bao giờ tồn tại thì một lần nữa, dừng đọc đi thôi.
2. Lại một lần nữa phải thừa nhận, dù biết là có thích cái gì đó, nhưng cơm áo gạo tiền vẫn là thứ cần thiết, bởi không có nó thì chẳng nhẽ hít khí trời, uống nước lã và sống với đam mê à?
+ Nếu bạn đang là sinh viên, tôi khuyên bạn bớt những ngày ăn chơi với đám bạn lại, ăn khoai lang nói chuyện thế giới, ngồi cafe tán dóc để rồi ra về chẳng đọng lại cái quái gì cả.
Ngoài việc học của mình, hãy dành trọn thời gian để trải nghiệm, để phát triển những kỹ năng, để tìm kiếm các mối quan hệ. Nếu chạm được và tìm ra đam mê, theo đuổi nó cho đến những ngày cuối cùng học đại học đi!
Nếu bạn bắt đầu “đi làm” ngay từ thời sinh viên, biết đâu đến lúc ra trường, bạn đã rất giỏi trong lĩnh vực mình đam mê, và lập tức có một công việc khá tốt về lĩnh vực đó thì sao? Đến lúc đó bạn vừa được tiếp tục làm thứ mình thích, nhưng vẫn bảo đảm được kinh tế, bởi dù cho ngành nghề nào, đến một mức độ nhất định, bạn vẫn có thể kiếm ra được tiền, chỉ là lúc bắt đầu sẽ có ngành dễ ngành khó mà thôi.
Mà kể cả bạn phải theo một ngành khác để có tiền đồ hơn, thì kinh nghiệm, mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp, làm việc đội nhóm, kỹ năng quản lý, v…v… sẽ giúp bạn trội hơn những người cùng cấp, xác suất bạn thăng tiến sẽ cao hơn rất nhiều, đến lúc tài chính không phải lo, đêm nằm đỡ phải nghĩ thì lúc này bạn bắt đầu có cả tá thời gian để bắt đầu theo cái mình thích rồi đấy.
+ Nếu bạn đã đi làm, hãy thừa nhận với tôi là mỗi ngày bạn vẫn có thể dành ra 1 giờ để làm cái mình thích chứ? Vẽ tranh, đánh đàn, ca hát, viết blog, tập múa, thưởng thức rượu, v…v…
Này bạn, đam mê đâu có nghĩa là bạn phải ngay lập tức làm được nó ngay đâu, hoặc đâu có nghĩa là bạn phải có những thành tựu thật to lớn trong ngành mới được đâu? Chủ yếu là thỏa mãn cái sở thích của mình, cái cảm giác say mê khi được thực hiện những thứ mình thích. Và thực sự ta không nhất thiết phải thật sự giỏi trong một lĩnh vực nào đó mới thành công được. (các bạn có thể đọc thêm bài viết này)
Kết: Sống sót trước đam mê sau
Hãy cố tìm cách sống sót thật tốt với cái hoàn cảnh hiện tại của bạn, và dành mọi thời gian bạn có thể dành được để tìm kiếm và phát triển cái đam mê của mình. Nếu đi làm rồi, hãy nỗ lực nhiều hơn để sớm tự do về tài chính, để sớm khỏi phát sầu vì tiền bạc để bắt tay vào theo đuổi cái mình thực sự thích.
Theo đuổi đam mê, càng trẻ càng tốt, nhưng đâu có nghĩa là lớn tuổi một xíu thì không có quyền đâu? Còn nếu bạn đang là sinh viên, xin chúc mừng, bạn may mắn hơn khối người đấy, đừng phí phạm thời gian vào những thứ vô bổ nữa, ném mình vào cuộc sống, trải nghiệm và cảm nhận xem đâu mới là thứ khiến bạn thăng hoa đi nào.
Tin tôi đi, nếu bạn tìm được đam mê của mình và sống mỗi ngày với nó, bạn sẽ tiến bộ cực nhanh trong lĩnh vực đó, bởi bạn sẽ nghiêm túc, tập trung và dành mọi thời gian, nỗ lực cho nó, chẳng có lý do gì có thể ngăn bạn lại cả.
Còn cứ cuộn mình trong chăn, thì quên đam mê đi, thật đấy!
Nhấc đít lên, ném mình vào cuộc sống đi, ngay và luôn!
Lê Tiến Dương
No comments :
Post a Comment